Trang Vàng Sức Khỏe
617/8 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP HCM
0919 390 393
trangvangsuckhoe.com@gmail.com
Cây atisô có tên khoa học Cynara scolymus L, thuộc họ Cúc – Asteraceae. Giúp thải trừ những chất độc hại gan, tái tạo tế bào gan nên atisô được gọi là loài cây bảo vệ gan.
Atisô nguyên là một loài cây mọc hoang dại, nguồn gốc từ Bắc Phi và Đông Phi, du nhập vào Nam châu Âu, trung thổ Địa Trung Hải và dần dần được chọn lọc giống tốt hiện nay. Atisô đã được người Hy Lạp và người La Mã cổ đại trồng để lấy hoa làm rau ăn. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Người ta thu hái cụm hoa chưa nở để làm rau ăn và làm thuốc.
CÔNG DỤNG CỦA ATISÔ
Hoa, lá, thân, rễ của atisô đều có nhiều lợi ích cho sức khỏe, là những vị thuốc quý.
Hoa
Hoa atisô nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng lực, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, bổ gan, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, giúp tiết sữa ở phụ nữ nuôi con nhỏ.
Atisô có khả năng chống lại quá trình ô-xy hóa của cơ thể, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật. Chất inulin có nhiều trong hoa có tác dụng tốt cho người bị đái tháo đường. Ngoài ra, tính chất lợi tiểu của hoa atisô còn giúp làm tăng sự bài tiết urê, cholesterol dư thừa và a-xít uric trong cơ thể.
Do các tác dụng trên, hoa atisô thường được dùng trong các trường hợp suy nhược, lao lực, đau dạ dày, thiểu năng gan, thiểu năng thận, sỏi đường tiết niệu, đi tiểu ít, thấp khớp, thống phong, cơ thể bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường ruột, đái tháo đường. Ngày dùng 80-120g tươi, sắc nước uống hoặc hầm với xương, thịt heo, thịt bò để ăn cả cái lẫn nước. Nếu hoa khô, dùng 20-30g sắc nước, uống trong ngày. Khi chế biến món ăn, cần rửa nhiều lần với nước sạch để loại bỏ các chất có hại còn bám trên hoa rồi mới đem nấu với các loại thực phẩm khác.
Lá, thân và rễ
Một loại glycosid là cynarine trong lá atisô có tác dụng lợi mật, giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, trong lá còn có các hoạt chất polyphenol có tác dụng nhuận trường, lợi tiểu, bảo vệ gan, thông mật. Người ta ghi nhận, các polyphenol trong lá non nhiều gấp đôi ở lá già, trong phiến lá nhiều gấp 10 lần ở cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn ở gốc lá, ở cây chưa ra hoa nhiều hơn cây đã ra hoa.
Atisô có tác dụng hạn chế cholesterol từ các chất béo mà cơ thể hấp thu. Do gan không tiết đủ mật, gây tăng cholesterol cho cơ thể nên những người mắc các bệnh về gan thường có chỉ số cholesterol cao. Atisô kích thích gan tiết mật nên giúp giảm cholesterol. Atisô còn giúp ngăn ngừa việc hình thành những cholesterol mới ở vùng gan. Do đó, lá và thân atisô được dùng trong các trường hợp: gan mật hoạt động yếu, viêm gan vàng da, tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng urê máu, gout, thấp khớp, sỏi niệu đạo, phù thũng, tiêu hóa kém do giảm tiết mật. Ngày dùng 12-16g lá khô hoặc 30-50g tươi, dạng sắc uống hoặc làm trà hãm nước sôi để uống. Ngoài ra, còn dùng dưới dạng cao lỏng, cao mềm. Người ta còn dùng thân và rễ atisô thái mỏng, phơi khô, công dụng như lá. Atisô giúp ngăn ngừa viêm nhiễm bằng cách thải trừ những chất độc hại gan, giúp tái tạo tế bào gan nên được gọi là loài cây bảo vệ gan.
ATISÔ: MÓN ĂN – BÀI THUỐC
Một số món ăn thức uống dùng atisô có ích cho người bị đái tháo đường: Thân atisô 40g, rễ 40g, hoa 20g, tất cả phơi khô, tán nhỏ, bảo quản trong hũ thủy tinh sạch. Mỗi lần dùng 2g, pha như pha trà. Hoặc hoa atisô 50g, phơi khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g, pha như pha trà. Hoặc hoa tươi 100g, lá tươi 100g, rửa sạch, luộc ăn như ăn rau.
Chữa viêm gan vàng da: Lá atisô 16g, nhân trần 12g, thảo quyết minh 12g, rau má 10g, lá mơ 8g, cỏ mần trầu 10g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch, béo phì: Lá atisô 16g, thảo quyết minh 12g, sơn tra 12g, lá sen 10g, trạch tả 10g. Sắc uống như trên.