Ngày 29.4, dân mạng hả hê khi đọc bài đăng về nữ chủ shop bán hàng online bị tố chuyên lừa đảo nhiều shipper ứng tiền rồi giao đồ đến địa chỉ “ma”, đã bị chính các shipper giăng bẫy và đưa về đồn công an.
Người phụ nữ khai tên Quỳnh Như làm việc tại trụ sở công an
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Theo nội dung clip, nhiều shipper (người giao hàng) đang giữ một phụ nữ gần 30 tuổi, mặc đồ bộ trên đường 30.4, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Họ bức xúc giải thích với mọi người xung quanh đây là người chuyên lừa đảo họ bằng những đơn hàng giao đến người nhận không có thật rồi mất tích cùng với số tiền cọc ứng trước.
Người phụ nữ thì liên tục nói: “Anh ơi toàn con người với nhau mà, con em đang bị sốt đây. Trời ơi mấy anh ác quá”, một shipper đáp: “Lúc em lừa tụi anh em có nghĩ như vậy không?”.
Anh Trần Cao Cầu (33 tuổi, shipper) - người quay clip cho biết, sự việc trong đoạn clip xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 28.4. Vì quá bức xúc do bị lừa đặt tiền cọc rồi giao hàng đến những người không có thật, các shipper đã đăng lên nhóm chung đặc điểm nhận dạng và khu vực chị ta thường đặt đơn để mọi người đề phòng, đồng thời giăng bẫy bắt tại trận.
Theo anh Cầu, tối cùng ngày, anh nhận đơn của người này, vì nghi ngờ nên anh đã báo cho 2 shipper khác từng tố bị lừa ở đường 30.4 đứng từ xa để nhận diện. “Khi phát hiện đúng là nhân vật mà mọi người đang tìm kiếm, hai anh em kia đã ra tóm gọn, rồi đưa cô ta về Công an P.Thanh Bình (TP.Biên Hòa) để giải quyết”, anh Cầu chia sẻ.
Ở trụ sở công an, người phụ nữ cho biết tên Quỳnh Như. Sau một hồi làm tường trình, người này gọi cho một người đàn ông mang tiền đến trụ sở công an phường để trả lại cho 2 shipper từng là nạn nhân của mình.
Hai shipper được trả lại tiền là anh H.T.T và anh Nguyễn Đình Phong, người đã cùng mai phục với anh Cầu để đưa người phụ nữ này lên công an. Anh H.T.T (26 tuổi) cho hay, anh nhận đơn của người này vào ngày 17.1.2020 từ công viên Biên Hùng giao tới giáo xứ Ngọc Lâm với tiền công là 30.000 đồng, tiền hàng là 420.000 đồng.
Đặt đơn xong, chị Như liên tục hối shipper đến gấp chị sẽ tip thêm 10.000 đồng vì khách đang cần gấp. Anh T. nhiệt tình ứng tiền hàng để đi giao nhưng tới điểm hẹn không ai nghe máy.
“Tôi gọi lại số chị này thì cũng thuê bao luôn nên tôi quay lại công viên đợi mấy tiếng mà không gặp được. Lúc đó mới ngộ ra là bị lừa nên tôi mở đồ ra kiểm tra thì thấy như một nùi giẻ rách. Tất cả đều là đồ cũ, rách rưới”, anh T. bức xúc nhớ lại. Tại trụ sở công an, sau khi viết tường trình, anh T. đã được một người đàn ông là người quen của chị Như đến trả lại 460.000 đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Phong (34 tuổi) được trả lại 350.000 đồng khi bị Như lừa với thủ đoạn tương tự vào ngày 26.3.2020, giao dịch ban đầu bằng một tài khoản Facebook khác. “Shipper chạy mưa nắng cực khổ kiếm được vài trăm ngàn, mà bị lừa một đơn vậy là xem như ngày chạy không công, còn phải bù thêm tiền xăng”, anh Phong chia sẻ.
Ngày 29.4, trao đổi với Thanh Niên, Công an P.Thanh Bình xác nhận có tiếp nhận người phụ nữ từ các shipper, sau khi làm việc Công an P.Thanh Bình đã cho người này về vì lý do: giao dịch giữa chị này và shipper Cầu chưa diễn ra, chưa có gì chứng minh chị này lừa đảo. Đối với lời tố cáo của các shipper cho rằng chị này đã lừa đảo nhiều lần bằng hình thức trên, Công an P.Thanh Bình nói vụ việc xảy ra ở nơi khác không phải trên địa bàn phường nên không thể giải quyết. Phường đã hướng dẫn các shipper này làm đơn tố cáo đến công an nơi bị lừa đảo, công an nơi đó sẽ có nhiệm vụ xác minh, xử lý.
Luật sư Trần Quân (Văn phòng luật sư Tri Ân, TP.Biên Hòa) cho hay nếu đúng như những gì các shipper tố cáo thì đây là hành vi “lừa đảo”, đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo thanhnien.vn