Trang Vàng Sức Khỏe
617/8 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP HCM
0919 390 393
trangvangsuckhoe.com@gmail.com
Những cuộc chia ly trở nên khó khăn bởi những cảm xúc bế tắc, mất mát mà chúng ta chắc chắn sẽ trải qua sau khi phải nói lời tạm biệt với một người mà ta từng gắn bó. Có nhiều người có thể sớm vượt qua được và lấy lại sự thư thái trong tâm hồn, nhưng cũng có nhiều người mãi mắc kẹt trong niềm tiếc nuối và không thể quay lại cuộc sống vui vẻ như trước.
Theo Antonio Pascual-Leone, bác sĩ tâm lý tại Đại học Windsor ở Canada, “Những cuộc chia ly cũng giống như những công việc còn dang dở. Quá trình vượt qua những nỗi buồn hậu chia tay không phải là một đường thẳng. Đôi lúc bạn sẽ thấy mình tiến triển, nhưng sau đó lại quay lại điểm xuất phát. Đôi lúc bạn sẽ thấy mình bế tắc tại một chỗ và không thể đi tiếp.” Tuy vậy, qua những nghiên cứu của mình, Pascual-Leone tin rằng chúng ta hoàn toàn có cách giải quyết những nỗi buồn này bằng những hành động đơn giản.
Bước 1: Đối diện với những cảm xúc của bản thân
Trong giai đoạn đầu hậu chia tay, chúng ta thường cảm thấy bối rối với cảm xúc của mình. “Tôi cảm thấy buồn bực, thất vọng. Nhưng tôi không biết tại sao mình lại thấy tệ như vậy?” - đó là những điều mà người mới chia tay sẽ trải qua. Thông thường, mọi người sẽ cố gắng quên đi những xúc cảm này. Họ tìm đến các thú vui, làm cho bản thân bận rộn, và cố để không làm mình nghĩ về cuộc chia tay nữa. Nhưng theo Pascual-Leone, đây không phải là cách giải quyết! “Khi bạn trốn tránh vấn đề, bạn không thể thay đổi nó.” Giải pháp của ông đưa ra cho các bệnh nhân của mình là “hãy đối mặt với nó”.
Cách để vượt qua giai đoạn này:
Tức giận và buồn bã là những cảm xúc phổ biến nhất sau một cuộc chia tay. Đặc biệt, mọi cảm xúc của bạn sẽ trở nên lẫn lộn với nhau như tơ vò: có đôi lúc bạn tức giận với những người đã rời khỏi mối quan hệ, có đôi lúc bạn cảm thấy buồn bã.
Việc bạn cần làm là gỡ rối cảm xúc của mình với những câu hỏi như “Mình cảm thấy buồn ở điểm nào?” và “Điều gì đang khiến mình thấy tồi tệ nhất?”. Giờ bạn có thể nhìn rõ ràng những điều đang khiến bạn cảm thấy không vui và tập trung vào xử lý những điểm này.
Bước 2: Hiểu thứ bạn đang cần từ mối quan hệ mới tan vỡ
Sau khi một mối quan hệ kết thúc, nhiều người rơi vào một giai đoạn tự trách. Họ cho rằng bất cứ thứ gì xảy ra dẫn đến sự tan vỡ trong quan hệ là do họ; có thể họ đáng bị như thế này. Họ không còn bối rối như giai đoạn đầu, nhưng họ mắc kẹt với cảm giác tiếc nuối mối quan hệ đã ra đi.
Thực chất, họ đang tiếc nuối những điều mà mối quan hệ đó đem lại cho họ, nay đã không còn hoặc họ cho rằng không thể thay thế được nữa. Đó có thể là những nhu cầu rõ ràng như muốn có một người bạn cùng đi chơi, cùng chia sẻ thói quen, muốn có một người đồng nghiệp ủng hộ, sát cánh trong công việc, muốn có một người để tâm sự và thấu hiểu. Đôi lúc, những nhu cầu đó không thể diễn tả chính xác bằng lời, như nhu cầu được cảm thấy an toàn, thấy được yêu thương, trân trọng.
Cách để vượt qua giai đoạn này:
Hãy diễn tả những nhu cầu của bạn bằng những xúc cảm sâu kín hơn. Đó có thể là khao khát được cảm thấy mình có năng lực, rằng mình là một người xứng đáng được yêu thương, tôn trọng, được thấu hiểu.
Đây là lúc bạn giải mã ra nguyên nhân sâu kín nhất dẫn đến những cảm xúc tiêu cực bạn đang trải qua. Có thể bạn mới chia tay người mà bạn yêu, điều đó làm cho bạn cảm thấy mình không xứng đáng được yêu quý và khiến cho nhu cầu của bạn không được đáp ứng. Khi bạn giải mã được nhu cầu nào của bạn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chia tay, bạn có thể tìm ra những giải pháp thay thế để đáp ứng cho chúng.
Bước 3: Nhìn lại mối quan hệ đã tan vỡ và nói tạm biệt với điều đã mất
Trong bước cuối cùng để bạn hồi phục sau một cuộc chia tay, bạn cần nhìn lại mối quan hệ và liên kết sự tan vỡ của nó với những điều bạn mất đi. Đó có thể là những kì vọng bạn từng đặt nên cho tương lai hay những giấc mơ bạn từng muốn cùng nhau thực hiện. Đối với một cuộc hôn nhân, đó có thể là mái ấm sẽ không bao giờ được xây dựng. Đối với một cuộc kinh doanh, đó có thể là một dự án sẽ không bao giờ được hoàn thành.
Cách để vượt qua giai đoạn này:
Hãy hỏi bản thân bạn “Mình hối hận về điều gì?”, “Mình nhớ nhung những gì?”, và “Mình sẽ phải từ bỏ ước mong gì?”
Đó không phải là một điều dễ dàng, nhưng đó là điều cần thiết để bạn vượt qua giai đoạn cuối cùng của một cuộc chia ly. Khi bạn chấp nhận và nói lời tạm biệt với những lưu luyến, bạn sẽ giải thoát cho bản thân khỏi sự day dứt và tiếc thương.