19/03/2024

Loài hoa “mặt trời” và bài thuốc ít người biết

19/04/2020
Các thầy thuốc cổ truyền sử dụng nước sắc từ cây hướng dương để chữa các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và viêm màng phổi.

Các thầy thuốc cổ truyền sử dụng nước sắc từ cây hướng dương để chữa các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và viêm màng phổi.

Hướng dương được xem là vị thuốc đầu tiên mà người Ấn Độ sử dụng để chữa các chứng bệnh gây phiền toái ở phổi. Các thầy thuốc cổ truyền sử dụng nước sắc từ cây hướng dương để chữa các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và viêm màng phổi.

• TOÀN CÂY ĐỀU CÓ THỂ LÀM THUỐC

– Vỏ hạt có thể dùng để chữa tai ù.

– Hoa có tác dụng trừ phong, sáng mắt. Dùng chữa đầu choáng váng, mặt sưng phù và để thúc sinh cho phụ nữ.

– Đài hoa có tác dụng chữa đầu đau, mắt hoa, răng đau, đau dạ dày và bụng, phụ nữ thống kinh, sưng đau
lở loét.

– Lá có tác dụng tăng cường tiêu hóa và chữa cao huyết áp.

– Lõi thân cành có tác dụng chữa tiể tiện xuất huyết, tiểu dưỡng chấp, sỏi đường tiết niệu, tiểu tiện khó.

– Rễ cây hướng dương có tác dụng chữa đau nhức ngực, sườn và vùng thượng vị, thông đại tiểu tiện, chữa đòn ngã chấn thương, mụn nhọt lở loét chảy nước vàng.

• ÍCH LỢI TỪ HẠT HƯỚNG DƯƠNG

Theo y học cổ truyền, hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tư âm bổ hư, ninh tâm an thần, chỉ lỵ, thấu chẩn. Dùng chữa tinh thần uất ức, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau đầu do suy nhược, đi lỵ ra máu, sởi không mọc được. Tây y đã chứng minh, hạt hướng dương giúp cải thiện hệ tiêu hóa, não bộ và tim mạch. Nó rất giàu ma-giê, kali, selen, đồng, kẽm, mangan, phốt pho và sắt.

Hạt hướng dương chứa rất ít cholesterol và natri, giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn là nguồn cung cấp vitamin B6, thiamin và rất giàu vitamin E (alpha tocopherol). Vitamin E trong hạt hướng dương có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào, là chất chống ô-xy hóa tuyệt vời ngăn chặn sự tạo thành các gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do này là nguyên nhân có thể dẫn đến các tổn thương tế bào và gây bệnh tật. Vitamin E và selen hiếm gặp trong thiên nhiên nhưng có rất nhiều trong hạt hướng dương, hỗ trợ tốt cho hệ tuần hoàn.

Ăn hạt hướng dương giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Nhờ chứa nhiều chất xơ, hạt hướng dương ngừa táo bón, bệnh trĩ, ung thư ruột kết. Trung bình nhu cầu lượng chất xơ trong ngày của người lớn là 30g nhưng các nghiên cứu cho thấy, ít người tiêu thụ đủ số lượng này. Do đó, nguy cơ ruột bị nhiễm độc rất lớn.

Hạt hướng dương làm tăng mức năng lượng. Do đó, hầu hết các vận động viên thường xuyên ăn hạt này. Nó cung cấp lipid, protid và carbohydrate ở dạng glycogen dự trữ trong gan nên dù theo chế độ ăn kiêng, họ vẫn đủ năng lượng để hoạt động thể lực hằng ngày.

Ăn hạt hướng dương còn giúp củng cố xương và cơ bắp. Sắt trong hạt giúp vận chuyển ô-xy cho cơ bắp; kẽm tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng ngừa ho và cảm lạnh, ma-giê cũng rất cần thiết cho xương chắc khỏe và tham gia sản xuất năng lượng. Ma-giê còn giúp giảm huyết áp và tránh cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Trên não và hệ thần kinh, hạt hướng dương được chứng minh là có tác dụng làm dịu thần kinh não. Đó là nhờ tryptophan giúp kích thích sự hình thành serotonin, một chất dẫn truyền xung động thần kinh. Serotonin làm giảm căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái. Choline đóng vai trò quan trọng trong bộ nhớ và tăng cường thị lực. Betaine và arginine giữ trái tim khỏe mạnh, ngừa các cơn đau tim, hạ cholesterol và chống vữa xơ mạch.

Trong hạt phong phú chất folate. Đây là chất bổ thiết yếu cho thai phụ vì giúp sản xuất các tế bào mới, thúc đẩy sự sao chép của DNA và RNA, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển của thai nhi. Nó hoạt động kết hợp vitamin B12 để tạo thành hemoglobin trong các tế bào máu đỏ.

• MỘT SỐ PHƯƠNG THUỐC CHỮA BỆNH

Một số phương thuốc từ cây hướng dương như:

– Chữa ho gà: Dùng lõi thân và cành 15-30g, giã nát, hãm nước sôi, thêm đường trắng và uống trong ngày.

– Chữa cao huyết áp: Dùng lá khô 30g (hoặc 60g lá tươi), ngưu tất 30g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng cụm hoa 60g, râu ngô 30g sắc nước uống pha thêm đường.

– Chữa mắt mờ, mộng thịt: Dùng đế hoa luộc với trứng gà, ăn trứng gà và uống nước thuốc.

– Chữa tai ù: Dùng vỏ hạt 15g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

– Chữa tiểu nhỏ giọt, dương vật đau buốt: Dùng rễ cây hoa hướng dương tươi 30g sắc với nước uống. Chú ý, chỉ đun sôi một vài phút (không nấu quá lâu, sẽ làm mất tác dụng). Hoặc dùng lõi thân và cành cây hướng dương 15g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong nhiều ngày.

– Chữa sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: Dùng lõi thân cành cây một đoạn khoảng 1m, cắt ngắn, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong một tuần.

– Tuyến tiền liệt phì đại: Dùng khay hạt hướng dương 1 cái, mật ong lượng thích hợp. Khay hạt thái nhỏ, sắc hai nước, trộn nước đầu và nước thứ hai, thêm mật ong vào cho đủ ngọt. Uống thay trà trong ngày.

Copyright © 2019 Hiệp hội doanh nghiệp Tp. HCM. Thiết kế website bởi Bizstore